TTCT – Cuộc sống bận rộn, chuyện bỏ công chọn vải, tìm đến thợ may chọn kiểu, lấy số đo… dường như không còn hợp thời. Một đôi vợ chồng ở TP.HCM đã tìm ra ứng dụng có thể giúp khách hàng lấy số đo trực tuyến chỉ với chiếc điện thoại di động.
“Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra với bộ đồ này, chỉ biết là tôi không thể mặc được”, một sếp người nước ngoài của chị Trần Đàm Minh Phượng (33 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nhận xét về bộ đồ ông vừa trả tiền xong, khiến chị Phượng ngượng chín người.
Tiệm may mà chị Phượng dẫn sếp mình tới may bộ âu phục (quần tây, áo sơmi, áo khoác ngoài) ở TP.HCM vốn được nhiều người trên mạng khen nức nở. Quan sát bằng mắt thường, cả chủ tiệm may và chị Phượng đều thấy bộ âu phục khá vừa với người mặc. Vấn đề nằm ở đâu?
5 phút cho bộ đồ đẹp
Làm việc với nhiều người nước ngoài, chị Phượng biết lãnh đạo cấp cao các công ty rất coi trọng bộ âu phục. “Nếu phụ nữ làm dáng với áo váy, trang sức, giày dép, túi xách… thì với đàn ông, bộ âu phục chuyển tải cả sự lịch lãm, phong độ, tự tin và cả tính cách của họ: cách cài nút áo, điệu bộ cởi chiếc áo vắt lên thành ghế, cách nới lỏng nút thắt cravat” – chị Phượng nhận xét.
Sau lần đưa sếp đi may đồ, chị Phượng chú ý tìm hiểu về quần áo may đo. “Nhìn bằng mắt khó cảm nhận sự khác biệt giữa hàng hiệu, hàng may khéo với hàng thường. Tại sao có những bộ đồ mình muốn mặc hoài, có những bộ trông rất đẹp nhưng khoác thử một lần không muốn mặc nữa. Chìa khóa nằm ở sự vừa vặn, thoải mái mà bộ đồ đem lại.
Quần áo vừa vặn phải vừa đẹp, tạo sự thoải mái, tự tin cho người mặc” – chị Phượng nói. Vậy là vợ chồng chị quyết định gầy dựng một xưởng may nhỏ chuyên may âu phục, hướng đến tiêu chuẩn may đẹp, vừa vặn theo phong cách châu Âu.
Muốn may đẹp, đầu tiên phải có số đo chuẩn. Chỉ những thợ may giỏi, nhiều kinh nghiệm mới làm được điều đó.
Nhưng khách ngày càng lười đến hiệu may, làm sao đo cho họ? Với khách gần, vợ chồng chị Phượng xách thước đo tìm đến tận nhà, còn khách xa, ở nước ngoài thì đành chịu. Một lần lên mạng, anh Nguyễn Ngọc Lâm (34 tuổi, chồng chị Phượng) thấy một người Mỹ giới thiệu ứng dụng lấy số đo trực tuyến với lời quảng cáo sốc: “Thôi mặc đồ của người khác đi.
Hãy tự đo lấy kích thước của bạn trong vòng chưa đầy 30 giây để có những bộ đồ vừa vặn thật sự là của bạn”. Anh này còn khẳng định ứng dụng đo trực tuyến của mình có thể lấy số đo chính xác hơn những thợ may lành nghề nhất. Dĩ nhiên anh ta không dễ dàng chuyển giao công nghệ này cho ai.
“Anh ta là dân công nghệ, mình cũng vậy, sao anh ta làm được mà mình không?” – anh Lâm nghĩ. Anh mày mò tìm hiểu và nhận ra ứng dụng này áp dụng công thức toán học và hình học không gian. Nếu tìm ra thuật toán và lập trình thì có thể xử lý được.
Nhiều ngày quên ăn quên ngủ quyết tìm ra lời giải, tham khảo ý kiến bạn bè, cuối cùng anh Lâm cũng tìm được công thức. Có công thức chung rồi phải làm phép thử: họ thuê người với nhiều dạng hình thể, vóc dáng, số đo, cân nặng để thử đo bằng máy, kết hợp đo thủ công để so sánh kết quả và chỉnh sửa, hoàn thiện dần các sai số.
Từ số đo hình thể của hàng ngàn người, họ phân loại nhỏ hơn: người cùng chiều cao, cùng cân nặng nhưng dáng người không giống nhau, phải phân ra nhiều nhóm khác nhau, mỗi nhóm có công thức đo riêng.
Hơn một năm sau, ứng dụng lấy số đo trực tuyến của anh Lâm hoàn thiện, đưa vào sử dụng mang tên UKYS, có phiên bản chạy trên thiết bị iOS, tải miễn phí tại chợ phần mềm trực tuyến App Store của Apple. Người dùng chỉ cần tải ứng dụng về máy, đứng trước camera điện thoại chừng năm phút làm các động tác theo hướng dẫn, số đo của họ sẽ được tự động ghi nhận, chuyển về cho nhà quản lý.
Có lần, một người Nhật tìm đến vợ chồng chị Phượng tự giới thiệu: “Tôi rất khó tính, từng bị một nhà may nổi tiếng đuổi vì yêu cầu họ sửa đồ quá nhiều lần. Liệu cô cậu có may được cho tôi không?”. Chị Phượng đồng ý.
Khi nhận sản phẩm, dù đã rất vừa vặn và đẹp, khách vẫn yêu cầu chỉnh sửa: sửa cái quần sao cho khi ngồi ôtô được dễ chịu, sửa tay áo để mỗi khi giơ lên thoải mái hơn. Chị Phượng vui vẻ chiều khách. “Tụi mình chỉnh sửa đến khi nào khách hoàn toàn vừa ý. Khách hàng là người mặc, chỉ họ mới hiểu cần phải làm gì” – chị Phượng nói.
Vợ chồng chị từng bỏ tiền mua nhiều bộ đồ hàng hiệu giá vài chục triệu đồng/bộ của nước ngoài về tháo bung ra để cùng thợ may của xưởng tìm hiểu cách may. Điều bất ngờ là có những kỹ thuật cắt ráp phức tạp của nước ngoài, thợ may VN nói họ cũng làm được nhưng trước giờ không làm vì mất thời gian, đẩy giá thành cao mà khách hàng không hiểu được sự khác biệt.
“Chính sự dễ dãi của khách góp phần làm “hỏng” thợ, kéo thấp chất lượng phục vụ” – anh Lâm đúc kết.
Chính thức ra mắt ứng dụng lấy số đo trực tuyến từ tháng 6-2016, vợ chồng chị Minh Phượng thu được kết quả bước đầu khả quan. Những phản hồi tích cực từ khách hàng Nhật, Mỹ, Anh đã được gửi về.
Những “đại gia” ngành vải như tập đoàn Albini, Dormeuil cho người tìm đến phòng trưng bày nằm sâu trong hẻm nhỏ của chị Phượng để chào hàng. “Chúng tôi không nghĩ mình được quan tâm nhiều đến vậy. Nhưng các đối tác nước ngoài nói họ nhìn thấy một tương lai cho ngành may đo từ cách làm của chúng tôi” – chị Phượng tiết lộ. ■