2018 có thể xem là năm tăng trưởng đột biến của ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, năm tới dự báo còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, nhất là từ nguồn cung vải từ Trung Quốc.
Vì sao dệt may 2018 Việt Nam tăng trưởng đột biến?
Theo Bộ Công Thương, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định 2018 có thể gọi là năm tăng trưởng đột biến của ngành dệt may Việt Nam bởi lẽ những năm “hoàng kim” như 2007-2008 mức tăng của ngành này đạt 34% nhưng thực tế về giá trị tuyệt đối cũng chỉ đạt hơn 2 tỉ USD.
Trong khi đó, những năm gần đây, mức tăng 10% thì trung bình cũng chỉ tăng từ 2,5 đến 3 tỉ USD về kim ngạch.
Chính vì vậy 5 tỉ USD tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của năm 2018 được coi là con số đặc biệt.
Ông Trường cho hay, nhìn lại các nước làm Dệt may lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Indonesia, Campuchia… không nước nào có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng hai con số trong năm 2018, chủ yếu tăng dưới 5%.
det may 2018 tang dot bien nhung du bao nhieu bat on vao nam 2019
Ông Trường nhận định trong năm 2018, lợi thế khách quan về việc giảm thuế từ các Hiệp định thương mại tự do cho Việt Nam là không có, tổng cầu không tăng lên. Trong khi khó khăn hiện hữu rõ ở ba khía cạnh.
Đầu tiên, Việt Nam là nước phá giá đồng tiền ít nhất trong số các quốc gia xuất khẩu dệt may, tăng khoảng 3%, trong khi Nhân dân tệ là 9%, Rupial Ấn Độ là 15%. Như vậy, đứng trên mặt tỉ giá, hàng hóa Việt Nam đắt hơn hàng hóa Trung Quốc khoảng 6% và đắt hơn hàng hóa từ Ấn Độ khoảng hơn 12%.
Thứ hai, từ khi bắt đầu có chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, dù đến thời điểm này chưa có sắc thuế nào đánh vào hàng hóa dệt may nhưng nó đã tác động khiến cầu trong quí IV giảm mạnh.
Tăng trưởng ba quí đầu năm tốt hơn quí IV, thậm chí đã có thời điểm dự báo cả năm ngành có thể đạt trên 37 tỉ USD, song do tác động của chiến tranh Mỹ – Trung khiến tốc độ tăng trưởng giảm, rõ rệt nhất là ngành sợi.
Cuối cùng, khi lãi suất của các quốc gia lên thì sức cầu có xu hướng giảm. Đơn cử, Mỹ tăng lãi suất đúng 1%. Ngân hàng Trung ương châu Âu và Nhật Bản đều điều chỉnh lãi suất cũng đã ảnh hưởng đến cầu rõ rệt.
Theo ông Lê Tiến Trường, năm 2018 xét bình diện thế giới không có nhiều thuận lợi mà chỉ được coi là ổn định. Do vậy, việc dệt may tăng trưởng 2018 đột biến do sự dịch chuyển từ khu vực sản xuất cực lớn của thế giới là Trung Quốc sang Việt Nam.
Trung Quốc đang xuất 250 tỉ USD mặt hàng dệt may, cung ứng 53% lượng vải thế giới. Do đó, sự dịch chuyển sản xuất dệt may của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam.
Bên cạnh đó, sau một thời gian đặt sản xuất tại các nước khác thì tiêu chuẩn về lao động, môi trường, nhà xưởng… chưa theo kịp như Việt Nam, dù lương thấp nhưng năng suất chỉ bằng một nửa.
Do đó, giá thành trong 1 đơn vị sản phẩm không tiết kiệm trong khi chất lượng có thể có vấn đề. Vì vậy, số lượng khách hàng mong muốn đặt sản xuất tại Việt Nam đã tăng lên và đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển tương đối tốt.
Ông Trường cho biết thêm về mặt chủ quan, đến thời điểm cuối năm gần 100% các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa trong ngành dệt may Việt Nam có tất cả chứng chỉ đánh giá của các hãng thế giới về tăng trưởng xanh, tiêu thụ năng lượng xanh, sản xuất xanh… Điều đó cho thấy chuẩn mực của ngành tại tất cả nơi được khách đặt hàng tương đối tốt.
Cẩn trọng trong năm 2019
Theo ông Trường, các dự báo cho thấy kinh tế Mỹ, Nhật, châu Âu tăng trưởng đều thấp hơn so với năm 2018. Dù không tăng lãi suất nhiều nhưng Fed dự báo năm 2019 lãi suất sẽ tăng 2 đợt. Xu thế thắt chặt dòng tiền tại các quốc gia nhập khẩu vẫn tiếp diễn.
Thứ hai, liên quan đến chiến tranh Trung – Mỹ. Đến thời điểm này chưa có mặt hàng nào của dệt may bị đánh thuế, tuy vậy dự báo cuộc chiến còn nhiều phức tạp.
Ngoài ra, ông Trường cho biết Trung Quốc xuất khẩu hơn 53% vải thế giới, nếu Trung Quốc tăng thuế mặt hàng vải, thì chắc chắn Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi hiện nay, Việt Nam mua 45% vải từ quốc gia này.
Trường hợp cực đoan hơn, ông Trường giả định, nếu Trung Quốc không bán vải cho các nước may mặc xuất khẩu, hoặc không xuất vải để cho các nước may hàng cho Mỹ, thế giới khó khăn trong việc thay thế nguồn cung, trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, 90% hàng dệt may Việt Nam phục vụ xuất khẩu thì ngược lại, Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ chỉ chiếm 40 tỉ USD hàng hóa dệt may. Trong khi nhu cầu nội nhu của họ là 400 tỉ so với 5 – 6 tỉ nội nhu của Việt Nam. Đối với Việt Nam không tăng trưởng được xuất khẩu dệt may là vấn đề rất nghiêm trọng còn Trung Quốc thì không.
Dù vậy, ông Trường cũng chia sẻ lợi thế dành cho Việt Nam đến từ CPTPP với hai thị trường xuất khẩu dệt may tiềm năng là 20 tỉ USD của Canada và 40 tỉ USD của Australia.
Việt Nam hiện mới chỉ có 4 – 5% thị phần từ các thị trường này. Ông Trường cho rằng nếu kịch bản tốt, nửa cuối năm 2019 sẽ có thêm thị trường EU, từ đó có thể tăng thêm khoảng 1 tỉ USD.
Ông Trường nhận định, trong phương án giữ được các thị trường xuất khẩu chính ổn định, hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực, tận dụng tốt CPTPP, ngành dệt Việt Nam có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 40 tỉ USD trong năm 2019.